Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy nhà cửa vun vút lao qua trước mắt, thấy gió lạnh táp vào khuôn mặt, thấy mình đang rời xa thành thị phồn hoa...
Một buổi tối chập chờn trên tàu, tôi nhận ra cái giường tre ở Hà Nội mà tôi than phiền còn tốt hơn ngàn lần hai cái ghế mềm mà tôi chiếm được. Vậy nên cái mong muốn nhanh chóng tới Lào Cai, nhanh chóng tới Sapa càng trở nên mãnh liệt.
Rồi cuối cùng cũng đến nơi. Tôi lơ mơ khoác chiếc áo lạnh mượn của đứa em họ, vác trên vai hành lý của mấy ngày đi chơi, lầm lũi bước ra khỏi sân ga vắng vẻ.
Đường lên Sapa mây mù giăng phủ. Tôi nhận ra những khúc quanh, những đoạn leo đèo càng ngày càng nhiều. 25km leo đèo đã cho tôi thấy được nhiều cảnh đẹp mà chỉ mỗi khi đi tàu trên đèo Hải Vân mới mong thấy được. Nhưng ở đèo Hải Vân nhìn xuống là biển, còn ở Lào Cai nhìn xuống sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang xa xa, ẩn hiện giữa những áng mây mờ.
Về đến được nhà nghỉ, tôi mệt mỏi quăng hành lý, lúc ấy cũng đã hơn sáu giờ sáng. Mệt mỏi ngủ khoảng 2 tiếng, tôi cùng dì bắt đầu chuyến đi chơi.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là một quán ăn. Bữa sáng là hai cây thịt lợn nướng quấn cải mèo và một đĩa đậu phụ rán. Thịt thì ngon, đậu phụ thì chua. Dì tôi cười bảo đậu phụ Hà Nội là ngon nhất.
Ở Sapa buổi sáng hơi lạnh, tôi khoác chiếc áo như con gấu, nhìn chung quanh tìm kiếm bóng dáng những người dân tộc.
Những người dân tộc tôi gặp trên đường, trên tay đều cầm những món thổ cẩm nhỏ nhỏ, hay những chiếc vòng tay làm bằng nhôm mời chào nhiệt tình đến ... chóng mặt...
Rồi tôi cùng dì đi thăm thú Sapa. Những nơi chân có thể đi bộ đều đã đi hết rồi thì phải... Chợ Sapa, bản Cat cat, Hàm rồng... Buồn buồn thì lững thững xuống chỗ đối diện nhà thờ Sapa, ở đó buổi tối thứ 7 sẽ có "Chợ tình"...
Sau chuyến đi, tôi cảm thấy Sapa tôi nghe và Sapa tôi gặp không giống nhau nhiều lắm. Có lẽ vì dì tôi đã tới Sapa từ 10 năm trước, nên cái hoang sơ đó đã bay biến mất rồi. Lên Sapa giờ cũng không khác gì ở thành phố, chợ Sapa với khu chợ gần nhà tôi có khác nhau mấy đâu... có chăng là nhiều Tây và dân tộc hơn thôi...
Mọi thứ đều đắt đỏ đến phát sợ. Tôi không phải là người có thói quen trả giá, đến đây mua quà về cũng thật là đáng sợ. Người bán hàng lại còn nhìn mặt nói giá tiền và đã số đều là người Kinh. Hic... Tôi đi mua một con tắc kè khô... đi ba chỗ được ba giá khác nhau.
Người Kinh bây giờ lên Sapa khai thác du lịch nhiều quá, khiến cho cái đẹp đã thuần túy cũng bị mất đi rồi. Chợ tình giờ chỉ toàn những đứa trẻ 10-15 tuổi thổi khèn, cầm ô xoay ... và tin tiền. Ở độ tuổi đó thì làm gì đã có yêu đâu mà "tình". Những người du lịch ăn uống no say thì ra nói những lời kệch cỡm, khó chịu với những đứa trẻ dân tộc. "Hôn đi...", "Không hôn là không thật lòng rồi..."... "Nhận tiền rồi thì múa tiếp đi...". Họ lấy tư cách gì mà lấy giọng bề trên như thế chứ ?!?
Xung quanh cái góc "chợ tình" bé tí tẹo ấy là những hàng nướng khói bay mù mit, những hàng bán đồ lưu niệm thổ cẩm của cả người dân tộc và người Kinh.
Ăn uống có đạm bạc mấy thì một bữa cũng hơn 100K... T^T... buồn...
Đi từ Sapa về Lào Cai bằng oto thì say một trận lên bờ xuống ruộng. May mắn cho bạn gái Đan Mạch ngồi cạnh cho mượn vai, không thì chắc chết luôn trên oto rồi. Bạn ấy còn tốt bụng mua cho tôi một chai nước khi xuống xe, sau khi thấy tôi mặt mày xanh lét, mật xanh mật vàng gì là ra tiệt.
Chẳng có quà gì, tôi tặng lại cho bạn ấy một chiếc khăn dân tộc Dzay tôi mua trên Sapa và tặng cô bạn còn lại một trái thảo quả.
Sapa nếu không khai thác du lịch một cách thái quá và làm mất đi cái đẹp vốn có của con người Sapa thì có lẽ tôi sẽ còn có cái ham thích được quay trở lại.
Không biết mười năm nữa Sapa sẽ còn "thay đổi" đến mức nào đây?!?